20 năm giáo dục Sơn Tây khúc bi hùng người gieo chữ vùng cao
Lượt xem:
20 năm trước, huyện vùng cao Sơn Tây, nơi lạ lẫm với thế giới văn minh, một vùng đất khốn khó của Quảng Ngãi, nơi đồng bào dân tộc Cadong chỉ biết cái nương cái rẫy, nơi con em họ chưa biết được tiếng Việt. Và rồi, những thầy cô giáo, âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ để dạy chữ, dạy người cho con em đồng bào dân tộc nơi đây. |
Ngót ngét 20 năm trôi qua, cuộc “trường chinh” của những thầy, cô giáo từ miền xuôi lên, đã đem ánh sáng về nơi tận cùng của tỉnh Quảng Ngãi. Họ đã gắn tình yêu của mình với mảnh đất này. Đó vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người giáo viên, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là tình yêu, là thiên sứ của mình đối với con trẻ vùng cao người dân tộc Cadong.
Thầy giáo dạy cách làm nhà Sơn Tây mùa này mưa tầm tã. Mưa mịt mù trời đất. Mưa không còn nhìn thấy đường, thấy núi. Mưa ở đây như vậy đó. Những thầy, cô giáo nơi đây cũng phải làm quen với sự khắc nghiệt này. Con đường vào thôn Tà Vay, nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum trở nên lầy lội hơn. Không thể đi được bằng xe U-oát, chúng tôi đành phải nhờ các thầy cô giáo của trường tiểu học Sơn Long ra chở vào bằng xe gắn máy. Ngồi sau, người tôi cứ như muốn văng khỏi xe, mặc dù đã ôm chặt thầy giáo Phan Tấn Thanh. Thầy Thanh hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Long. Thầy là người có gần 20 năm chinh chiến những cung đường tử thần chỉ có bùn, đất và đá dài gần 20 km từ trung tâm huyện đến điểm trường lẻ cảu thôn Tà Vay của xã Sơn Long. Kinh nghiệm lái xe những đoạn đường trơn trượt là để xe cứ chạy, nếu cưỡng lại là té ngay. Người ngồi sau tốt nhất là không nên chống chân. Do sợ ngã nên tôi đưa chân để chống xuống đất. Cứ mỗi lần như vậy, chiếc xe máy hết lỉa bên này, hất sang bên kia làm hai chúng tôi suýt ngã nhiều lần. Thầy Thanh dặn: “ Cứ để yên chân trên xe, đừng chống, như vậy người chở cũng sẽ dễ dàng vượt qua những đoạn đường này”. Mưa to, nước cứ tát vào mặt, thầy Thanh nói như hét vào tiếng mưa: “Bây giờ đỡ nhiều rồi đó, khi mới lên đây, xe máy đi không được, phải đi bộ thôi. Đi cả ngày đường mới đến được nơi dạy là chuyện bình thường”. Vượt qua đoạn đường lầy lội sát hẻm núi, thầy Thanh chỉ cho tôi những ngôi nhà được lợp bằng mái tôn bên dưới thung lũng và kể: “Để lợp được tôn trên mái nhà như vậy là cả một quá trình. Tôi với anh Kim Văn Thanh ( lúc đó là Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Dung 2) đi tới đâu là làm trường tới đó. Ở tập đoàn 20 của thôn Tà Vay những năm 95-96 chưa có trường. Khi tới đây, chúng tôi nhờ dân đốn cây để làm trường. Đồng bào lúc đó chưa biết mái tôn là gì. Bọn mình vừa lợp tôn, vừa chỉ cho bà con dân tộc để họ về nhà lợp nhà của mình. Phải chỉ họ cách đóng đinh như thế nào ? Mép tôn trên chồng mép tôn dưới bao nhiêu, mí tôn trên giáp mí tôn dưới bao nhiêu để nước khỏi chảy vào nhà … coi như là dạy họ cách lợp nhà bằng vật liệu mà cả ngàn đời nay họ chưa bao giờ biết tới. Mỗi khi lợp tôn là già trẻ, gái trai của làng đều tập trung xem và hỏi. Nhìn họ thấy mà thương. Thương cho sự xa xôi cách trở, thương cho sự lạc hậu. Hầu như tất cả 5 điểm trường lẻ của trường tiểu học Sơn Long đều như vậy cả. Phải mất đến hai, ba năm sau, bà con Cadong nơi đây mới mua tôn về lợp cho mái nhà của mình” Sự tri ân đối với bà con dân bản Mưa đã ngớt. Núi rừng Sơn Tây trùng trùng điệp điệp đang dần hiện ra. Hơi núi bắt đầu bốc lên tạo thành những đám mây điểm xuyết cho màu xanh của rừng núi đại ngàn. Trên đường đi, thầy Thanh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về hành trình đem con chữ đến với vùng cao này như một đặc sản của người làm nghề dạy chữ, dạy người. Và nói đúng hơn, đó là những kỉ niệm mà suốt cuộc đời của mình, thầy Thanh không bao giờ quên. Những câu chuyện tưởng chừng như không bao giờ có đoạn kết đã đưa chúng tôi về đến điểm trường Tập đoàn 20 thuộc thôn Tà Vay xã Sơn Long. Tại điểm trường này, các thầy cô giáo muốn về xuôi phải vượt qua đoạn đường hơn 100km. Cách đây 20 năm, đi vào được nơi đây là một kỳ tích chứ chưa nói việc ở lại dạy học cho các em. Tại đây, tôi lại được gặp một nhân chứng sống, biểu hiện cho tình yêu thương đùm bọc giữa bà con dân tộc Cadong đối với người thầy giáo. Đây cũng là câu chuyện mà thầy Phan Tấn Thanh đã kể cho chúng tôi nghe trên đường đi. Đó là thầy giáo Đinh Xuân Hân- người đã gắn bó với điểm trường này hơn 15 năm qua. Nhắc lại chuyện cách đây hơn 13 năm, cũng chính nơi này, tại mái trường này, những người dân bản đã cứu sống thầy Hân như một kì tích. Năm đó, sau khi dạy các em học sinh xong, thầy Hân đau bụng. Cơn đau kéo dài từ sáng đến chiều. Biết là bệnh nghiêm trọng, phải chuyển ra trong tâm huyện mới có thể cứu được thầy. Thế là gần 20 thành niên trai tráng trong buôn đã quyết định khiên thầy Hân về bệnh viện huyện. Đoàn người khiên thầy Hân đội mưa, đội gió, băng rừng, vượt núi, cứ 200 mét là thay tốp khiêng khác, vừa đi vừa chạy. Sau hơn 4 giờ đồng hồ, đoàn người đã vượt qua gần 20km đường rừng đưa thầy Hân về tới bệnh viện huyện. Thầy đã được cứu sống bởi tình thương của bà con nơi đây. Thế nhưng chưa đầy 2 tháng sau, vì nhớ học sinh, nhớ tình cảm của bà con dân bản dành cho mình, thầy Hân xin được đi dạy lại. Do vết thương chưa kịp lành, lại ráng sức trèo đèo, vượt dốc nên vết thương tái phát. Tưởng đâu, lần này thầy Hân không qua khỏi. Nhưng những đồng nghiệp, đã cứu thầy Hân thoát chết một lần nữa. Thầy Hân tâm sự: “ Mình đã được bà con nơi đây cưu mang và cứu sống mình. Mình mắc nợ nơi này. Vừa là trách nhiệm, nhưng nơi đây là máu thịt của mình. Xa các em một ngày là nhớ lắm. Cho dù xa xôi cách trở, nhưng mình muốn đem lại kiến thức cho các em. Đó như một lời tri ân của mình đến với bà con vùng đất này” Khúc bi hùng Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống là tình yêu thương con trẻ, vượt lên đau thương mất mát là triết lý sống của người thầy. Nhiều thầy, cô giáo đến với Sơn Tây, ban đầu chưa phải là tình yêu thương thực sự. Nhưng rồi, khi đến đây, họ đối mặt với những khuôn mặt trẻ thơ, sự khốn khó của người dân, trong họ đã nảy nở tình yêu thương thật sự. Đối mặt với sự khắt nghiệt của thời tiết, sự trống vắng tình cảm… nhiều thầy cô giáo đã âm thầm bám bản, bám làng, bám trường lớp. Trong cơn lạnh cắt da, nhiều thầy cô giáo phải ở những nơi heo hút, gió lạnh buốt lòng. Có những thầy cô thường xuyên có mặt trên các vùng biên giáp với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để chỉ cho các em đánh vần từng con chữ, giúp cho bà con mở mang kiến thức của cuộc sống hiện đại. Giáo dục Sơn Tây đã từng phải đánh đổi máu và nước mắt của những thầy cô giáo ở miền xuôi khi lên đây giảng dạy. Những đau thương mất mát đã được ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây nén chặt vào những câu thơ đầy bi hùng: “ Nhớ không em, những cơn sốt rét rừng đã từng làm môi em đen thẫm. Những bước chân xiêu vẹo giữa núi đồi, mưa gió lâm thâm.. Thương cô giáo, dân bản từng đêm âm thầm mang thêm lửa. Nhưng cái lạnh trong lòng làm sao đủ lửa ấm trong tim ? Nhớ không em những mùa nước lũ, sống chung với thủy thần quái ác. Đồng đội của ta bị cuốn đi, bao ngày mới tìm thấy xác. Ta như nghe tiếng thét giữa sông Rin- Thầy giáo Thành ra đi mãi mãi. Chấp chới vòng tay, mẹ con cô giáo Thúy không còn lại trên đời.” Những thầy, cô giáo đã ngã xuống vì sự nghiệp trồng người vùng cao này. Giáo dục Sơn Tây đáng tự hào như vậy đó, bởi nó mang một phần máu thịt của những thầy cô giáo. Ngoài những thầy cô giáo bị cuốn đi vào mùa nước lũ thì có những thầy cô giáo đã ra đi bởi những cơn sốt rét rừng nghiệt ngã. Không riêng những người con Quảng Ngãi, mà ở Sơn Tây, nhiều thầy cô giáo ở mọi miền của Tổ quốc cũng về đây, hết mình cho sự nghiệp giáo dục Sơn Tây. Họ đã cống hiến thật sự, chính họ là những người đã gieo hạt cho đời, chính họ đã mang con chữ cho đồng bào dân tộc vùng cao ở đây. Nhớ lại thuở ấy, ông Lê Hoài Thạnh rất tự hào, bởi chính ông đã trưởng thành hơn khi gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với giáo dục Sơn Tây gần trọn 20 năm. Ông Thạnh chia sẻ: “ Trong 20 năm qua đối với giáo dục Sơn Tây, ta có thể coi là kỉ niệm cũng được, là kí ức cũng được, nhưng cũng có thể biến thành sự tâm niệm cũng được. Tôi rút ra một triết lý là nơi nào chúng ta thật sự nhóm được ngọn lửa yêu thương, nơi nào chúng ta trao vòng tay nhân ái, nơi nào có tình người thì nơi đó mới đảm bảo sự nghiệp trồng người. Những người đi gieo chữ như chúng tôi mới đáng trân trọng. Chúng tôi có một thời hết sức khắc nghiệt, hết sức nghiệt ngã nhưng vô cùng hạnh phúc. Nếu không có từng ấy thời gian công tác ở Sơn Tây chưa chắc tôi đã trưởng thành, chưa chắc có dấu ấn của cuộc đời, nó trở thành triết lý cuộc sống của chính tôi” …và sự trăn trở Sau khi ở lại một đêm ở Tà Vay, với bao nhiêu chuyện về quá khứ một thời bi hùng của giáo dục Sơn Tây, hôm sau tôi được ông Lê Hoài Thạnh đưa đến một vài nơi để tìm hiểu cuộc sống của những giáo viên tại các điểm trường lẻ. Tại trường Tiểu học, THCS Sơn Bua, cách điểm trường Tà Vay gần 50km. Đang mùa đông, trời tối sớm. Tới nơi cũng là lúc các thầy cô giáo bắt đầu bữa cơm tối. 23 thầy cô giáo, người ngồi, người đứng, tranh thủ ăn vội cho xong bữa để xem chương trình thời sự tối. 23 con người này cũng chỉ có 1 chiếc ti vi để xem chung. Mùa đông ở đây rất lạnh, việc tìm nước uống và sinh hoạt dành cho nam giới, phụ nữ được giao việc bếp núc. Chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống ở đây, thầy giáo Trịnh Phú Em dạy tại điểm trường này từ năm 2004 cho biết: “Mùa đông ở đây lạnh lắm gia súc không sống được, bò heo chết nhiều. Nước thì lạnh như đá. Lấy nước để phục vụ sinh hoạt của tụi em cực kì khó khăn. Tụi em phải lấy từ rất xa và dùng chung nguồn nước với người dân. Ban ngày không lấy được vì phải nhường cho dân, nên chỉ lấy được ban đêm thôi. Có những hôm phải thức đến 2-3h sáng để lấy nước chứa vào bồn, sáng hôm sau mới có dùng”. Nhìn sinh hoạt của thầy cô giáo ở đây, tôi biết, dạy học ở vùng cao Sơn Tây vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, cả thầy lẫn trò. Sau 20 năm hình thành và phát triển, giáo dục Sơn Tây đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất dần được đầu tư xây dựng mới, đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về chất và lượng. Hơn 600 cán bộ, giáo viên hôm nay vẫn ngày đêm gắn bó với con em đồng bào dân tộc miền núi. Con số đó đã tạo nên bức tranh, diện mạo mới cho giáo dục Sơn Tây từ ngày tạo lập đến nay. Từ chỗ 100% người mù chữ, hơn 80% trẻ em thất học. Đến nay, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS vào năm 2008. Sơn Tây đang cố gắng phấn đầu hoàn thiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ vào năm 2015. Dẫu biết, mục tiêu này còn gặp nhiều khó khăn phía trước. 20 năm trôi qua, những học sinh được các thầy cô giáo dẫn dắt thuở đầu tiên đã trưởng thành. Đã có những kỹ sư, những giáo viên tiếng anh là người Cadong. Một số em đã trở thành những cán bộ, những người có năng lực đóng góp sức mình cho sự phát triển của bản làng, quê hương. Điều đó minh chứng rằng, giáo dục Sơn Tây đã thành công trong sự nghiệp trồng người hiệu quả. Trước khi chia tay Sơn Tây, ông Lê Hoài Thạnh nắm chặt tay tôi trăn trở: “Cái khó hiện nay là cơ sở vật chất trường lớp, đời sống một bộ phận dân cư còn nghèo khổ, nhận thức của người dân đến giờ vẫn chưa thay đổi, giao phó việc học tập của học sinh là việc của nhà trường, đây là cái khó nhất và trăn trở nhất. Mình muốn làm sao để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hiện đại hóa trường lớp, làm thế nào để học sinh Sơn Tây được học trong môi trường tốt hơn. Bây giờ, nhìn các em đi học mình thấy thương và tội nghiệp quá !” Chia tay Sơn Tây, tôi thầm cảm phục sự hy sinh thầm lặng của thầy, cô giáo vùng cao đã hết mình cho sự nghiệp trồng người. Mưa đã tạnh, mây đã tan, con đường phía trước của vùng cao Sơn Tây đã bừng sáng./. ——- Phước Trung (PTQ) —– |