Đánh giá học sinh tiểu học: Cần công tâm, tình cảm, trách nhiệm

Lượt xem:

Đọc bài viết

(Baoquangngai.vn)- Bộ GD&ĐT vừa chính thức ban hành thông tư 30 quy định về bỏ chấm điểm để tránh áp lực về điểm số, thành tích cho các em HS ở bậc tiểu học. Để làm được việc này, nhiều ý kiến cho rằng, đòi hỏi người đứng lớp phải công tâm, tình cảm và trách nhiệm.
      Năm học 2014-2015 là năm học chính thức thực hiện chương trình hành động về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI. Ngành giáo dục đã đưa ra rất nhiều điểm mới, trong đó bỏ chấm điểm học sinh tiểu học là một trong những điểm mới khiến dư luận quan tâm nhất.

Chị Việt, một phụ huynh có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi chia sẻ: Lâu nay mình đã quen với việc xem điểm của con sau khi con đi học về để biết hôm nay con học ra sao? Giờ nghe nói sắp tới giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá thì tôi chưa mường tượng ra được.

 

 

Việc đánh giá học sinh, giáo viên phải khuyến khích, động viên các em.

Theo chị Việt, ở lớp 2, chưa bao giờ cháu đạt dưới điểm 9 vậy mà chỉ sau một tuần học đầu tiên, cô nhận xét cháu đọc, viết chính tả, làm toán rất chậm. Mà hầu hết cô giáo đều thẳng thắn chê học sinh trong lớp là chậm.

“Nghe cô nhận xét vậy mình như bị dội gáo nước lạnh. Vậy sao hỏi phụ huynh nào cũng bảo con họ được học sinh giỏi? Nếu cô không khéo léo nhận xét kiểu đó mình lo không động viên, khích lệ được học sinh mà dễ gây ra tác dụng ngược khiến học sinh tự ái, mất tự tin”- chị Việt băn khoăn.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thủy có con học lớp 5 tại Trường Tiểu học số 2 xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) bày tỏ: Mình đồng tình với việc bỏ chấm điểm để giảm áp lực học tập cho con, nhưng chúng tôi mong giáo viên phải công tâm, tình cảm và trách nhiệm trong việc nhận xét khả năng học tập của học sinh. Sợ nhất là giáo viên nhận xét theo cảm tính, vị nể tình cảm riêng tư và qua loa.

Theo thông tư 30, nguyên tắc đánh giá học sinh là coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Từ đó giúp các em luôn cố gắng, phấn đấu trong học tập chứ không phải việc cho điểm chỉ là nhằm phê phán sự yếu kém của các em…

Cha mẹ học sinh được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện; được giáo viên hướng dẫn cách thức quan sát, động viên các hoạt động của học sinh hoặc cùng học sinh tham gia các hoạt động; trao đổi với giáo viên các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp, thuận tiện nhất như lời nói, viết thư.

Cha mẹ cần thường xuyên khuyên bảo, khuyến khích, khen thưởng cho các em mỗi lần các em đạt được điểm cao trong học tập của mình.

 

 

Những điểm số sẽ được thay thế bằng nhận xét.

 

Ông Đặng Phiên- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho rằng: việc bỏ chấm điểm thay vào đó là nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học đánh dấu bước đột phát trong công tác giáo dục, giảm được áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Chẳng hạn: học sinh nào đó học rất bình thường, nhưng hôm nay em có sự bộc phát, bỗng dưng sôi nổi, giáo viên sẽ nhận xét là “Hôm nay em rất tiến bộ, cố gắng lên em nhé!”.

Ngược lại, học sinh bình thường rất sôi nổi, bỗng dưng thụ động, giáo viên sẽ nhận xét “Hôm nay sao em thụ động thế?”.

Việc nhận xét, đánh giá sẽ không tạo ra ranh giới trong một tập thể lớp, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh như là cho điểm.

“Nhận xét, đánh giá các em học sinh lớp 5 khác hoàn toàn với lớp 1. Học sinh lớp 1, nhiều em đi tiểu còn chưa biết đi, ăn còn phải bón. Để làm được việc này, đòi hỏi giáo viên phải cần cù, chịu khó, thông cảm, chia sẻ, bao dung, công tâm. Đó cũng là cái cần nhất cho giáo viên hiện nay”- ông Phiên chia sẻ.

Bài, ảnh: Ái Kiều