Giáo dục vùng cao Sơn Tây: Vươn lên từ gian khó

Lượt xem:

Đọc bài viết

(QNg)- Sơn Tây là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, giáp với các huyện KonPlông (Kon Tum) và Nam Trà My (Quảng Nam). Tại mảnh đất này vào ngày 12/9/1994, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây được thành lập. Từ đội ngũ giáo viên chỉ vài chục người, đến nay ngành giáo dục huyện Sơn Tây đã có gần 600 thầy cô giáo đang âm thầm bám địa bàn và “Tìm trò để dạy”.
 Gần 20 năm trước đây Sơn Tây làm gì có những con đường rộng mở? Dòng sông Rin bắt đầu từ thượng nguồn Sơn Tây chảy về với huyện Sơn Hà, rồi đổ vào dòng Trà Khúc ngày ấy làm gì có những chiếc cầu. Thế nên, muốn đến Sơn Tây, mùa nắng thì mặc độc chiếc quần đùi (quần dài vắt vai), lội từ từ, lò dò qua ngầm Sơn Lăng (Sơn Hà). Mùa mưa phải ngồi bám chặt trên những con đò nan, liêu xiêu trước dòng sông dữ dội, đục ngầu.

Đến nay huyện Sơn Tây đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở.                              ảnh: N.Triều
Đến nay huyện Sơn Tây đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. ảnh: N.Triều
Còn núi ở Sơn Tây nhiều ngọn thấp cao, đan xen và sau này khi giáo dục phát triển có thể nói rằng: Cứ mỗi ngọn núi là một ngôi trường! Núi nhiều thế nhưng kết cấu địa tầng lại quá “lỏng lẻo” nên việc núi lở, đất trôi thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Chính sự khắc nghiệt ấy nên hai mùa mưa lũ liên tiếp năm 1998 và 1999, ngành giáo dục Sơn Tây phải gánh chịu những nỗi đau đến xé lòng. Đó là “Thầy giáo Thành ra đi mãi mãi. Chấp chới vòng tay – Mẹ con cô giáo Thuý không còn trở lại”.

Điều đặc biệt là định hướng cho ngành giáo dục Sơn Tây phát triển từ những ngày đầu tái lập huyện ấy không phải từ những “hội nghị” lớn, từ các phương tiện hiện đại của con người, mà bắt đầu từ… những bếp than hồng. Nhớ lại, ta mới thấu hiểu tại sao lâu rồi, cha ông ta vẫn tôn vinh nét đẹp của văn hóa sinh hoạt cộng đồng là thế? Bởi vì trong giá lạnh của đêm đông, giữa bếp lửa hồng, xen giữa các tiếng thầm thì, to nhỏ, luận bàn là những đôi mắt cứ lóng lánh trong bóng đêm như mang cả tâm sự chia sẻ, đồng lòng.

Chào mừng 30  năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, tại mảnh đất vùng cao này, các thầy cô giáo nơi đây cảm nhận đầy đủ cái hạnh phúc của mình đang có, cái hạnh phúc bắt đầu từ nghiệt ngã của cuộc hành trình “Cõng chữ lên non”.

Do vậy, tất cả các thầy cô giáo ở đây đều chung một cảm nhận: Chặng đường 18 năm của mình đi qua xem ra vẫn còn quá ngắn so với cuộc hành trình đầy gian khổ của sự nghiệp trồng người. Nhưng hơn ai hết, bao thế hệ  học trò CaDong Sơn Tây sẽ cảm nhận ý nghĩa của việc đang được thực hiện quyền bình đẳng về hưởng thụ chính sách giáo dục mà Nhà nước đã ưu ái cho vùng núi, vùng dân tộc ít người. Và hành trình giáo dục của Sơn Tây là quá trình vận động cộng đồng các dân tộc ít người đến với giáo dục. Thầy cô giáo vùng cao không chỉ biết dạy chữ mà còn đi sâu vào từng thôn, xóm  để không chỉ vận động học sinh đến trường mà còn tuyên truyền nhận thức cho cộng đồng và phụ huynh hiểu sâu sắc về lợi ích của giáo dục.

Sơn Tây là vùng căn cứ địa cách mạng của Quảng Ngãi với trên 95% dân số là các dân tộc ít người sinh sống lâu đời. Sau  ngày giải phóng miền Nam, năm 1976, Sơn Tây sáp nhập với huyện Sơn Hà, đến ngày 6/8/1994, huyện Sơn Tây được tái lập.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây được thành lập vào ngày 12/9/1994. Vào thời điểm đó, toàn huyện có 92,8% người mù chữ, hơn 80% trẻ em chưa được đến trường và số còn lại chỉ học đến lớp 3 vì thầy “hết chữ “. Sau 18 năm kiên trì, đối mặt với bao khó khăn, thách thức ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn Tây đã từng bước phát triển và trưởng thành. Vào tháng 10/1997, toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2008, được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đặc biệt tỷ lệ cháu mẫu giáo 5 tuổi được huy động đến trường gần 98% vào năm học 2012-2013.

Hệ thống giáo dục quốc dân đã đảm bảo từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn. Mạng lưới trường lớp mở rộng đến tận thôn, xã  nên đã huy động gần 1/3 dân số là học sinh đến trường, đội ngũ giáo viên đạt 1/45 người dân.

Lê Hoài