Huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi): 15 năm kiên trì sự nghiệp trồng người
Lượt xem:
Hiện nay, mạng lưới trường lớp của ngành Giáo dục – đào tạo (GD&ĐT) Sơn Tây đã được mở rộng tới tận các thôn với 19 đơn vị trường học, (tăng gấp 6 lần so với năm 1994) trên 50 điểm trường lẻ cho mầm non, tiểu học… | |
Giáo dục Mầm non là ngành học phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng. Tuy mới được bắt đầu từ năm học 1998-1999, nhưng đến năm học 2000-2001 toàn huyện đã xóa “điểm trắng” về giáo dục mầm non, huy động 68,7% cháu trong độ tuổi ra nhóm trẻ, nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Tỷ lệ huy động cháu 5 tuổi đi học mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 đạt 92,4%.
Về Giáo dục phổ thông, toàn huyện hiện có 9 trường tiểu học (138 lớp, 2.025 học sinh), huy động hằng năm trên 95% học sinh trong độ tuổi ra lớp. Toàn bộ các điểm dân cư xa xôi hẻo lánh đều được mở điểm trường. Huyện có 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia năm 2005. Tháng 12.2008, huyện Sơn Tây đã được Bộ GD&ĐT công nhận là huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Năm học 1996-1997 Trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú Sơn Tây được thành lập, đến nay, toàn huyện đã có 4 trường THCS (48 lớp/1.559 học sinh); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 86%.. Huyện Sơn Tây đã được công nhận hoàn thành đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở tháng 12.2008.
Về Trung học phổ thông, lớp 10 “nhô” đầu tiên của huyện hình thành tại trường THCS DTNT vào năm học 2001-2002. Tháng 2.2004, Trường Trung học PT Đinh Tiên Hoàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đến thời điểm này, trường có 5 lớp/146 học sinh. Tháng 3.2003, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện được thành lập, nhưng thực tế từ năm 1995 huyện đã tập trung đầu tư cho ngành học này.
Vào thời điểm sau ngày thành lập huyện, có 2.910/3.157 người trong độ tuổi còn mù chữ, chiếm tỷ lệ 92,8%; trên 80% trẻ em chưa ra lớp. Đến tháng 10.1999, tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi 15-25 qua kiểm tra công nhận còn 3%. Tỷ lệ được phổ cập GDTH theo độ tuổi đạt 91,8%. Thành tích trên đã tạo điều kiện tối thiểu và cần thiết cho thế hệ trẻ Sơn Tây có cơ hội học tập, nâng cao dân trí và thoát khỏi cảnh đói nghèo. Cuối tháng 12.2008, toàn huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS cấp tỉnh và đang chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Bộ về kiểm tra công tác phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.
15 năm qua, đội ngũ giáo viên của huyện không ngừng được tăng cường. Từ 20 cán bộ, giáo viên khi mới bắt đầu tách huyện, gần 15 năm qua Phòng GD&ĐT Sơn Tây đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi chịu trách nhiệm về tuyển sinh và cử tuyển đào tạo trên 150 giáo viên ở tất cả các ngành, bậc học. Ngoài ra, một số giáo viên học xong chương trình đại học đã về phục vụ tại ngành, trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát triển chuyên môn của các ngành, bậc học. Toàn huyện hiện có 314 cán bộ, giáo viên. Hầu hết giáo viên ở tất cả các ngành, bậc học đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo cũng như cơ cấu bộ môn. Số giáo viên được đào tạo chính quy chiếm trên 60%.
Nói về thành tựu của ngành Giáo dục & đào tạo Sơn Tây, ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD&ĐT và cũng là người phụ trách ngành Giáo dục huyện từ ngày thành lập đến nay, nhấn mạnh: “Từ chỗ chỉ có học sinh lớp 3 bậc tiểu học, đến nay toàn huyện đã đảm bảo hệ thống giáo dục quốc dân từ Mầm non đến Trung học phổ thông, các Trung tâm GDTX và Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên chức phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu các ngành, bậc học, chuẩn hóa về trình độ và đảm bảo tốt việc phát triển trong những năm đến; cơ sở vật chất trường học đã được tăng cường đảm bảo được việc mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp và nhu cầu học tập của nhân dân”.
(Theo Lê Hồng Khánh-Văn hoá online)
|