Lớp học sưởi ấm vùng cao
Lượt xem:
(Chinhphu.vn) – Ngoài giờ chính khóa, cứ vào mỗi buổi tối thứ Tư hằng tuần, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây, Quảng Ngãi) lại lặn lội đến các thôn bản để phụ đạo thêm và tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số. |
Thầy và trò Trường Tiểu học Sơn Tân tại một điểm phụ đạo. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Trường Tiểu học Sơn Tân nằm trên địa bàn vùng cao thuộc huyện miền núi Sơn Tây với điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn. Toàn trường được chia là 6 điểm dạy học với tổng số trên 370 học sinh, trong đó có trên 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc Ka Dong và dân tộc H’rê. Điều kiện học tập, sinh hoạt của các em học sinh ở đây còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.
Trăn trở trước những thiệt thòi của học sinh vùng cao sau nhiều năm “cắm bản” dạy học, thầy giáo Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tân, đã đưa ra sáng kiến xây dựng các lớp học phụ đạo, tăng cường tiếng Việt ngay tại các làng, điểm dân cư. Lớp học đã được nhà trường khởi xướng từ đầu năm học 2013-2014, đến nay giáo viên nhà trường vẫn tiếp tục duy và được lãnh đạo ngành GDĐT huyện Sơn Tây xem đây là mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện trong năm học tới. Chỉ chưa đầy 1 năm, Trường Tiểu học Sơn Tân đã xây dựng 12 điểm học tập tại các tổ, khu dân cư trong toàn xã. Việc làm này không chỉ tạo được sự phấn khích, động lực học tập đối với học sinh, mà còn được nhân dân ủng hộ, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương ra sức hỗ trợ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường dạy phụ đạo ở các lớp học này hoàn toàn không được hỗ trợ gì về vật chất, nhưng tất cả vẫn nhiệt tình và tình nguyện tham gia. Hơn 15 năm dạy học ở huyện miền núi Sơn Tây, thầy Đỗ Thành Đạo, giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học Sơn Tân, tâm sự: “Hầu hết cán bộ, giáo viên của trường đều có thâm niên dạy học ở miền núi, có người gắn bó hơn 10-20 năm, vì thế khi nhà trường có chủ trương này, ai ai cũng đồng tình hưởng ứng”. Cứ thế, mỗi tuần 1 buổi, bắt đầu từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ, thầy và trò ở Sơn Tân lại quây quần tại các điểm phụ đạo, từng nét chữ, bài toán của các em… Với một phương pháp dạy được thống nhất chung là tạo sự thoải mái, vui vẻ, rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học. Đối với những em học sinh yếu, kém hoặc yếu tiếng Việt sẽ được quan tâm đặc biệt. “Biết là vất vả vì đường đến các điểm dân cư xa xôi, cách trở nhưng mỗi một giáo viên ở đây ai cũng tâm niệm, việc gì có ích lợi cho học sinh thì tích cực làm, chứ không ai so bì, kể công bao giờ”, cô giáo trẻ Trần Thị Ánh Tuyết, bộc bạch. Điều đặc biệt của những lớp học này là mỗi buổi học đều có sự tham gia của phụ huynh học sinh và cứ mỗi điểm học có 3 giáo viên đảm nhiệm để tổ chức giảng dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém cũng như dạy tiếng Việt cho học sinh bước vào lớp 1. Ngoài ra, các giáo viên còn tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em ra lớp đúng thời gian quy định, tránh tình trạng đến giờ học, học sinh trốn thầy cô. Ông Nguyễn Đức Hùng, Chi hội trưởng Hội phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Tân, cho hay: Từ lớp học này, các bậc phụ huynh học sinh đã dần dần hình thành thói quen tốt cho học sinh ôn bài, học bài ở nhà. Lớp học cũng là cơ hội tạo sự gắn bó mật thiết giữa giáo viên với cộng đồng dân cư thôn, bản. Lớp học này luôn được theo dõi bởi cán bộ trong ban giám hiệu nhà trường, sau đó, phối hợp cùng với trưởng thôn bản, cùng đại diện các tổ chức đoàn thể đánh giá hoạt động dạy học của các lớp, rút kinh nghiệm để công tác phụ đạo, dạy kèm học sinh đạt kết quả cao hơn. Ông Đinh Văn Lợi, Chủ tịch UNDN xã Sơn Tân, đánh giá: Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình lớp học tại thôn, bản mang lại, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện duy trì mô hình này trong thời gian đến. Đồng thời, chỉ đạo, huy động các hội, đoàn thể cùng tham gia vào cuộc mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, nhận thức của đồng bào về việc học của con em mình. Theo: baodientu.chinhphu.vn |