Nỗi niềm giáo viên vùng cao
Lượt xem:
Mỗi dịp 20.11 hằng năm, giáo viên vùng cao có người may mắn nhận được những cánh hoa dại ven rừng, hay những trái bắp, củ khoai của núi rừng từ những đứa học trò đen nhẻm…Bấy nhiêu cũng đủ làm họ cảm thấy được an ủi. Dù đối diện với bao vất vả, nhưng niềm vui lớn nhất của họ là mang được con chữ đến với đồng bào, thắp lên ở vùng đất này “nguồn sáng” cho ngày mai. |
Bữa cơm tối tập thể của giáo viên Trường TH và THCS Sơn Bua |
Phòng “hậu sản” bất đắt dĩ
Lâu nay người ta thường nói, giáo viên vùng cao khá vất vả. Nhưng có đến đây một lần, chứng kiến đời sống sinh hoạt của họ tôi mới vỡ lẽ nhiều điều từ cái khó, cái khổ ấy. Đến Trường tiểu học- Trung học cơ sở Sơn Bua, Sơn Tây vào lúc trời nhá nhem tối. Dãy phòng công vụ của giáo viên, chỉ vỏn vẹn có 4 phòng nhỏ chật chội, nhưng phải chứa những 23 con người. Ban đầu nghe, tôi không thể nào hình dung được. Khi anh hiệu trưởng dẫn vào từng phòng thì lúc này tôi không khỏi thán phục. 4 gian phòng ở cho giáo viên nơi đây chưa tới 20m2, với 2 phòng dành cho nữ, mỗi phòng 7-8 giáo viên. Còn lại 2 phòng cho 9 giáo viên nam. Để bố trí đủ bấy nhiêu con người, mọi người phải kê giường đôi. Phòng đầu tiên, tôi được cán bộ giáo viên ở đây “ưu tiên” giới thiệu trước là “phòng hậu sản” nữ. Tôi hỏi, “phòng ở giáo viên gì mà sặc mùi bệnh viện vậy anh”?. Anh Hùng, Hiệu trưởng trường cười, bảo: “Nữ giáo viên nào có con nhỏ đều “tấp” vô phòng đây hết. Chỉ có vậy họ mới dễ cảm thông cho sự bất tiện sinh hoạt ở đây. Chính vì vậy anh, em thường gọi phòng “hậu sản” là vậy đó”. Vừa bước vào, ấn tượng đập vào mắt tôi là 3 cháu nhỏ, rất kháu khỉnh, cháu lớn nhất chỉ mới 14 tháng tuổi, cháu nhỏ nhất được 7 tháng tuổi. Nhìn những đứa trẻ, ở trong căn phòng chỉ đủ chừa 1 lối đi hẹp, tôi thật xót xa. Chị Đỗ Thị Mỹ Duyên, giáo viên tiểu học, ở xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, vừa tranh thủ đút bột cho đứa con 7 tháng đang tuổi ăn dặm, trò chuyện với tôi. Lên Sơn Tây công tác đã được 4 năm, cháu Võ Thị Minh Thư là con gái đầu của chị. Vì điều kiện công tác, bé mới 5 tháng, Duyên phải đưa con lên núi để tiện bề chăm sóc. Vừa lo công tác chuyên môn, vừa chăm sóc con mọn, cuộc sống những giáo viên nữ như Duyên gặp không ít khó khăn. Do hoàn cảnh mẹ già, hay đau ốm, nên người cô họ của Duyên, bà Lê Thị Hoà đã theo chị lên để phụ trông giữ cháu. Tối đến 3 cô cháu nằm o ép ở cái giường chật hẹp. “Vì hoàn cảnh cả, nên mình cũng phải thích nghi” – Duyên nói. Hoàn cảnh của chị Bùi Thị Ánh Minh, cũng tương tự. Con gái chị mới 1 tuổi, mấy hôm nay thời tiết mưa, lạnh, cháu bị ho, cảm sốt. Chị không còn cách nào khác là sang tuần đến phải đưa con về dưới xuôi để gởi cho ông bà chăm sóc. Giáo viên nữ vùng cao nơi đây đã phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, quyết tâm bám trụ vùng đất này để ngày ngày gieo chữ. “Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng không một ai chán nản, bỏ cuộc. Chúng tôi ở cùng nhau, dễ thông cảm và động viên nhau cùng cố gắng”- Anh Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trường trường tâm sự. Điều cảm động hơn, ở phòng “đặc biệt” này, có 3 giáo viên chưa lập gia đình, đối với họ, việc thường xuyên nghe tiếng trẻ con khóc, mùa mưa mùi quần áo, mùi nước tiểu cứ thum thủm xốc lên, rất khó chịu. Thế nhưng, không ai bảo ai, họ cảm thông cho đồng nghiệp, sắn tay áo phụ giúp họ chăm sóc con cái. “Tụi em sống cùng nhau, thương hoàn cảnh nhau lắm. Các cháu còn nhỏ mà chịu ở nơi vất vả, mình thấy tội lắm. Nên có bất tiện gì đi nữa thì mình cũng ok hết, chỉ mong các cháu khoẻ mạnh, cứng cáp thôi”.- Chị Nguyễn Thị Minh Xuyến nói.
Có an cư mới lo lạc nghiệp Tục ngữ có câu: “An cư mới lạc nghiệp, nhưng với những giáo viên vùng cao, dù chưa an cư, họ vẫn nhiệt tâm bám trường, bám lớp đem cái chữ đến với từng học trò vùng khó. Điều khiến họ có được tâm huyết ấy chính là tình thương yêu, gắn bó với học trò. Họ đã nuôi tình thương đó lớn dần với vô vàn kỉ niệm. Cô giáo Bùi Thị Kim Huệ, ở Thị trấn Sông Vệ, giáo viên cấp 2, trường Tiểu học- Trung học cơ sở Sơn Bua, chia sẻ: “Đã nhiều lần đến nhà để vận động học sinh đi học, chúng tôi phải bật khóc khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le. Có em khóc, tâm sự với chúng tôi: “Cô ơi, em chỉ có 1 cái quần, nhưng bị rách rồi. Em không dám đi học đâu”. Có em bị đói, thiếu gạo ăn, phải đi đào sắn để qua cơn đói.Có em đi qua suối bị trượt chân, sách vở bị trôi nên nghỉ học… Thấy các em chịu nhiều thiệt thòi, nên khi khó khăn, mệt nhọc chúng tôi đều vượt qua được hết.” Toàn huyện Sơn Tây có hơn 400/600 giáo viên có nhu cầu chổ ở. Nhưng đến nay, huyện chỉ có 40 nhà công vụ đáp ứng nơi ăn, chốn ở cho khoảng 200 giáo viên. Còn lại đa số thầy, cô phải ở tạm nhà dân, nhà bán trú học sinh…Ông Lê Hoài Thạnh- Trường phòng giáo dục Sơn Tây trăn trở: “Hiện nơi ăn, ở sinh hoạt của giáo viên rất khó khăn, vì thiếu phòng nên phải ở ghép 7-8 người trong phòng chật hẹp. Trong khi đó, với đặc thù huyện nghèo, chúng tôi phải lo tập trung ưu tiên kinh phí xây phòng học cho học sinh trước. Mỗi dịp gặp mặt giáo viên, nhân ngày nhà giáo, chúng tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng công tác.”
Dẫu khó khăn vẫn không lùi bước
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng tình yêu thương học trò vùng khó, nhiều thầy, cô giáo đã âm thầm bám bản, bám làng, bám trường lớp. Họ ở những nơi heo hút, thường xuyên có mặt trên các vùng biên giáp với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để chỉ cho các em đánh vần từng con chữ, giúp bà con mở mang kiến thức của cuộc sống hiện đại. Hầu hết giáo viên nơi đây đã hy sinh nỗi niềm riêng tư, chấp nhận xa gia đình, con cái để thực hiện lí tưởng cống hiến của nhà giáo. “Nhớ không em, những cơn sốt rét rừng đã từng làm môi em đen thẫm/ Những bước chân xiêu vẹo giữa núi đồi, mưa gió lâm thâm…/ Thương cô giáo, dân bản từng đêm âm thầm mang thêm lửa/ Nhưng cái lạnh trong lòng làm sao đủ lửa ấm trong tim?/ Nhớ không em những mùa nước lũ, sống chung với thủy thần quái ác/ Đồng đội của ta bị cuốn đi, bao ngày mới tìm thấy xác/ Ta như nghe tiếng thét giữa sông Rin – Thầy giáo Thành ra đi mãi mãi/ Chấp chới vòng tay, mẹ con cô giáo Thúy không còn lại trên đời”.- Phải chăng, những câu thơ chất chứa nỗi niềm day dứt, tiếc thương, tri ân những cống hiến thầm lặng của bao thế hệ giáo viên gắn bó với sự nghiệp “trồng người”trên miền đất khó Sơn Tây trong suốt 20 năm qua của thầy Lê Hoài Thạnh đặc tả điều đó. Những dòng thơ làm nao lòng người. Chỉ có những trải nghiệm, gắn bó, cảm thông và đồng cảm sâu sắc, người “cầm quân” giáo dục huyện miền núi Sơn Tây- Lê Hoài Thạnh mới đặc tả được những hy sinh, mất mát của đồng nghiệp cho vùng đất còn lắm gian khó này. Và sẽ còn biết bao thế hệ đưa đò hôm nay, tiếp bước những lớp người đi trước để tiếp tục bám bản, làng đưa ánh sáng văn minh bừng sáng đại ngàn. Gieo chữ vùng cao dẫu còn nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng cũng đáng tự hào đến lạ! Bài, ảnh: KIM NGÂN |