PHÁT TRIỂN TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN TOÀN DIỆN GIÁO DỤC MIỀN NÚI QUẢNG NGÃI

Lượt xem:

Đọc bài viết

Việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) là một trong những quyết sách rất có ý nghĩa để nuôi dưỡng ước mơ tri thức cho con em đồng bào dân tộc ít người đang sống tại các huyện miền núi và vùng sâu. Đồng thời sẽ giúp cho các địa phương khắc phục tình trạng nghỉ học để giữ vững phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong thời kỳ mới.  

          Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi nêu ra một số vấn đề có tính lịch sử và giải pháp phát triển hệ thống trường PTDTBT để đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ nay đến năm 2020.

TỪ MỘT MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN TỰ PHÁT…

Trường phổ thông dân tộc bán trú vốn là mô hình tự phát của trường nội trú dân nuôi, bán trú dân nuôi trước đây ở vùng dân tộc và miền núi có học sinh phổ thông.

Loại hình bán trú dân nuôi đã hình thành tự phát vào cuối những năm 1950 và nhân rộng trong những năm  đầu thập kỷ 90 tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí của con em các dân tộc ít người.

Mặc dù chưa có các văn bản pháp lý nhưng thực tế trường phổ thông DTBT vẫn tồn tại ở các mô hình gồm trường bán trú cụm xã và trường/lớp bán trú tại xã.

Ngoài ra, một số gia đình đã tự dựng lều lán tạm cho học sinh ở phân tán rất  nguy hiểm và thiếu các điều kiện cần thiết. Đây là mô hình mà bà con các dân tộc miền núi Quảng Ngãi đã thực hiện trong thập niên đầu của thế kỷ này để giúp học sinh hàng tuần mang lương thực đến tự nấu nướng và lo các sinh hoạt hàng ngày để đến trường học tập.

     Như thế, trong lịch sử phát triển, hệ thống trường/lớp DTBT phát triển tự phát như là một tất yếu của lịch sử GD miền núi. Bởi vì, cùng với sự đổi mới và phát triển của GD thì số lượng học sinh có nhu cầu bán trú ngày càng đông nên nhu cầu phát triển trường lớp BT ngày càng cấp thiết.

…ĐẾN TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA NHÀ NƯỚC

Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ngày 17/7/2009, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã Chủ trì Hội nghị về trường PTDTBT dân nuôi tại Thành phố Điện Biên. Phó Thủ tướng đánh giá cao về mô hình bán trú dân nuôi, đồng thời chỉ đạo bắt đầu từ năm học 2009-2010, phải tập trung thực hiện ngay phương châm: “ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) cho học sinh miền núi khi đến trường.

Hội nghị đã mở ra một cơ hội “3 đủ” để học tập cho con em các dân tộc ít người thuộc vùng núi được thụ hưởng chính sách ưu việt và yên tâm đến trường. Đó là: Thông tư số 24/2010-TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế và tổ chức hoạt động, Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT…

Sau 3 năm triển khai Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/52014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị về trường Phổ thông dân tộc bán trú tại Hà Nội cho các đơn vị có loại hình trường này. Tính đến tháng 4 năm 2014 cả nước có 25 tỉnh đã thành lập trường phổ thông DTBT gồm 797 trường với 128.645 học sinh bán trú. Trong đó, cấp Tiểu học 228 trường với 29.849 học sinh bán trú; Cấp Phổ thông cơ sở (gồm Tiểu học và THCS) có 110 trường với 25.250 học sinh bán trú; cấp THCS gồm 459 trường với 73.546 học sinh bán trú.

Ngoài ra, cả nước hiện có 131.899 học sinh được hưởng chế độ bán trú tại 907 trường tiểu học, 195 trường phổ thông cơ sở và 708 trường THCS  thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của 27 tỉnh.

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG PTDTBT TẠI QUẢNG NGÃI

Tính đến cuối năm học 2013-2014 có 2 tỉnh trong cả nước chưa thành lập được trường PTDTBT là Đăk Nông và Quảng Ngãi. Mặc dù là tỉnh duyên hải miền Trung nhưng Quảng Ngãi lại có 6/14 huyện miền núi; trong đó, có 2 huyện vùng núi cao với 100% xã thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn là Sơn Tây và Tây Trà.

Trong thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã lập phương án và trình Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số:1038/QĐ-UBND ngày 31/7/2013 Phê duyệt kế hoạch thành lập trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2020. Theo Quyết định này, toàn tỉnh sẽ tiến hành thành lập 74 đơn vị trường với tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất là 690,54 tỷ đồng. Trong đó, 2 huyện Sơn Tây và Tây Trà có 100% trường Tiểu học và THCS được chuyển đổi và thành lập trường PTDTBT. Cũng theo Quyết định này thì năm học 2013-2014 sẽ thành lập 20 đơn vị trường PTDTBT cho các huyện miền núi của tỉnh.

Như thế, so với Quyết định phê duyệt kế hoạch thành lập trường PTDTBT của Chủ tịch UBND tỉnh thì ngành Giáo dục Quảng Ngãi đang đối mặt với những khó khăn thật sự trong việc thực hiện Quyết định 85 của Thủ tướng Chính Phủ. Thực tế, nếu chậm triển khai việc thành lập trường PTDTBT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thụ hưởng chính sách của con em đồng bào các dân tộc ít người và gây tác động không nhỏ trong việc thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tại địa bàn miền núi đầy khó khăn của tỉnh.

Theo chúng tôi Quảng Ngãi vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn của một tỉnh mà số huyện nghèo của miền núi chiếm gần 1/10 của cả nước. Để thành lập đảm bảo các trường phổ thông DTBT trên địa bàn Quảng Ngãi thì cần phải đầu tư 33.492 m2 nhà ở cho học sinh, 14.874m2 nhà ăn và bếp ăn, 3406m2 nhà vệ sinh, 299 phòng học và nhiều công trình phụ trợ khác phục vụ cho nhu cầu nuôi và dạy. Đây là khó khăn cơ bản nhất và cũng là điều kiện tiên quyết  ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện phát triển trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ nay đến năm 2020.

Mặc dù, chưa thành lập được trường PTDTBT nhưng học sinh bán trú của các cấp học phổ thông thuộc địa bàn miền núi của Quảng Ngãi đã được nhận kinh phí hỗ trợ chế độ bán trú theo Quyết định số 84 của UBND tỉnh Quy định tiêu chí xác định học sinh bán trú trên địa bàn. Đồng thời ở hầu hết các huyện miền núi, đặc biệt là hai huyện vùng cao Sơn Tây và Tây Trà đã chỉ đạo một số trường khi xây được nhà ở cho học sinh đều tổ chức bán trú. Tuy thế, theo thống kê từ các huyện miền núi thì chỗ ở cho các trường đã thực hiện bán trú mới chỉ có 536 so với nhu cầu là 2014 em học sinh cần bán trú. Nguồn kinh phí để xây dựng nhà ở cho học sinh ở các huyện miền núi nói trên là do huy động từ các nguồn xã hội hóa giáo dục trên địa bàn.

Để đảm bảo việc thành lập hệ thống trường PTDTBT trên địa bàn theo lộ trình của Quyết định 1038 của UBND tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020; chúng tôi xin nêu một số nhóm vấn đề cần thực hiện như sau:

– Thể chế hóa chủ trương phát triển hệ thống trường

Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần ưu tiên hàng đầu  việc xây dựng hệ thống trường PTDTBT trong chương trình hành động của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cần ra Nghị quyết “Phát triển hệ thống trường PTDTBT trên địa bàn”. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền, cộng đồng và các bậc phụ huynh.

– Tập trung đầu tư nguồn nhân lực về tài chính

 Tăng cường đầu tư ngân sách, huy động, lồng ghép các nguồn nhân lực chương trình, dự án để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo thành lập và phát triển cho các trường PTDTBT; chú trọng các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.

– Thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách.

Đảm bảo việc cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời chế độ cho học sinh bán trú từ đầu tháng để duy trì chế độ ăn và sinh hoạt cho HS tại trường.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với cán bộ quản lý, nhà giáo; đặc biệt cần quy định tăng thêm về nhân viên phục vụ, cấp dưỡng và quản lý bán trú cho các đơn vị.

Cần có chế độ hỗ trợ của địa phương đối với học sinh không hưởng chế độ bán trú nhưng nhà nghèo, mồ côi và các diện chính sách khác để các em có cơ hội học tập.

– Nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTBT.

Đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có năng lực, tập trung chỉ đạo chất lượng giáo dục toàn diện và phù hợp với vùng miền. Chú trọng việc tăng cường Tiếng Việt để tháo dở rào cản ngôn ngữ cho học sinh dân tộc. Đổi mới công tác quản lý trong thanh, kiểm tra và kiểm đinh chất lượng, nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại khóa…

– Xã hội hóa công tác giáo dục trong trường PTDTBT.

Tuyên truyền và huy động các lực lượng xã hội đóng góp các nguồn lực cho trường, trong đó chú trọng vào hoạt động nuôi dưỡng học sinh bán trú bằng phương châm “có gì góp đó” tùy theo thực tiễn của địa phương.

Từ con đường tự phát của một loại hình trường do nhân dân sáng tạo, trường phổ thông DTBT đã trở thành một loại hình trường chuyên biệt tại địa bàn miền núi để đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay. Đây là một cơ hội  đến trường và bước ngoặt đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh các đồng bào dân tộc ít người thuộc vùng khó khăn.Với mục đích cao cả đó, chúng tôi tin tưởng việc phát triển mạnh mẽ loại hình trường PTDTBT là điều tất yếu tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung trong những năm đến. Tuy thế để đảm bảo thành công còn phù thuộc rất nhiều ở yếu tố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị theo tinh thần chủ trương của Đảng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu ở mỗi địa phương.

 Lê Hoài Thạnh