Thành tựu đáng tự hào của ngành giáo dục Sơn Tây
Lượt xem:
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệm kỳ qua, nhờ sự quan tâm đầu tư toàn diện cho giáo dục, nên đến nay Sơn Tây đã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cho địa phương… | ||
Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ |
||
Nỗ lực vượt khó
Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng GD – ĐT huyện cho biết: Ngày đầu thành lập, ngành giáo dục huyện Sơn Tây chưa có trường chuẩn quốc gia, không xã nào đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi đạt thấp… Để khắc phục tình trạng trên, Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng giảng dạy, phát động phong trào thi đua, tăng cường vận động xã hội hóa giáo dục, tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của huyện đạt chuẩn. Trong đó, giáo viên mầm non và tiểu học trên chuẩn là 72%. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt có 1 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, Phòng Giáo dục huyện đã đẩy mạnh đổi mới công tác dạy và học. Đến thời điểm này, ngành giáo dục Sơn Tây đã có bước phát triển mới, đảm bảo đủ các loại hình giáo dục trên địa bàn. Mạng lưới trường lớp mở rộng tới tận thôn, khu dân cư, từ nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo đến ngành học phổ thông và cả ngành học giáo dục thường xuyên. Hiện Sơn Tây có 9 trường tiểu học, với 2.347 học sinh; 8 trường THCS (1 THCS – dân tộc nội trú), với 1.461 học sinh; 1 trường THPT, với 411 em; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề, với 70 em. Riêng bậc học mầm non có bước phát triển vượt bậc, năm học 2000 – 2001, huyện đã xóa “điểm trắng” về giáo dục mầm non, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân. Hằng năm, tỷ lệ ra lớp ở bậc mầm non đạt 82%; trẻ 5 tuổi đạt 98,7%; tiểu học đạt 97,3%; trẻ em trung học cơ sở đạt 96,8%. Từ năm 2008 đến nay, Sơn Tây luôn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đang hoàn thành hồ sơ để được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trong 5 năm qua, ngành giáo dục huyện Sơn Tây đã bứt phá vươn lên với 1 trường đạt chuẩn Quốc gia là Trường Mầm non Hương Cau, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 2 trường. Hiện Sơn Tây đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để Trường THCS Sơn Tinh đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015. Bên cạnh đó, huyện đã chuyển đổi 3 trường phổ thông: Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Màu thành trường phổ thông dân tộc nội trú để việc dạy và học của giáo viên, học sinh được thuận tiện hơn. Tạo tiền đề từ bậc mầm non Trong 5 năm, huyện đầu tư nhiều tỷ đồng cho xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà công vụ cho giáo viên từng bước được ổn định. Các trường ở các cấp học đều được xây dựng phòng học kiên cố nên không còn trường lớp tranh tre, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng dần, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm dần.
Tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nhiều em sau khi ra trường đã về quê hương công tác, đóng góp trí tuệ, xây dựng Sơn Tây ngày càng phát triển. Nhiều em trưởng thành đã trở thành công chức, viên chức làm việc ở cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Trong đó, ở cấp xã, đội ngũ này chiếm 75%. “Nhiệm kỳ qua, ngành giáo dục Sơn Tây đã hình thành được hệ thống trường mầm non đến tận các khu dân cư, xây dựng nhóm trẻ đảm bảo chất lượng đào tạo ngay từ bậc mầm non, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Mặt khác, việc dạy 2 buổi/ngày cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi kết hợp tổ chức bán trú đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Việc tăng cường dạy tập nói tiếng Việt cho các cháu mẫu giáo để có vốn tiếng Việt khi vào học lớp 1 đã tạo động lực cho các cháu ham học… Bởi, thành công của bậc mầm non là tiền đề cho các cấp học sau này”, ông Võ Thìn – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định. |