Vượt núi vào Nước Đốp dạy chữ

Lượt xem:

Đọc bài viết

(ANTV) – Đối với học sinh ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, việc đến các điểm trường chính để học chữ là hết sức khó khăn, nhất là học sinh tiểu học vì phải băng rừng, vượt suối nên nhiều em học sinh đối mặt trước nguy cơ bỏ học. Để giữ chân học trò bám trường bám lớp, những điểm trường tạm được xây dựng tạm bợ tại các bản làng vùng sâu.
 

Thay vì học trò phải rời khỏi bản đến điểm trường chính học chữ thì ở vùng cao Quảng Ngãi, bằng tình yêu học trò và trách nhiệm nghề nghiệp, các thầy cô giáo đã vượt núi đi ngược về các bản làng để cắm bản dạy chữ cho học trò đồng bào dân tộc thiểu số. Ghi nhận tại điểm trường ở thôn Nước Đốp, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi.
Hơn 5 năm nay, cứ vào chủ nhật hàng tuần là thầy giáo Đàm Vị, giáo viên điểm trường thôn Nước Đốp, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi lại vượt rừng vào điểm trường lẻ nằm sâu trong rừng cắm bản dạy chữ cho học trò đồng bào Cadong. Cuộc sống sinh hoạt ở đây luôn thiếu thốn. Vậy nhưng thầy Vị và các giáo viên ở điểm trường này vẫn quyết tâm bám trụ vì tương lai của học trò nghèo.
Thầy giáo Đàm Vị, chia sẻ: Dù khó khăn như thế nào đi nữa nhưng không thể bỏ các em học trò ở đây được bởi vì bỏ các em thì tương lai của các em ra sao nếu như không được học hành đến nơi đến chốn.
Mỗi ngày, ở điểm trường tiểu học thôn Nước Đốp, xã Sơn Long lớp học vẫn diễn ra điều đặn. Các thầy cô giáo đã rất nỗ lực để duy trì tỷ số học sinh đồng bào dân tộc Cadong ra lớp giữa vùng núi còn lắm khó khăn này. Sự miệt mài, tận tâm của giáo viên cắm bản đã được học sinh nghèo nơi đây đón nhận bằng cả tấm lòng.
Em Đinh Thị Phân, học sinh lớp 5 vui vẻ khoe: Thầy cô rất là nhiệt tình dạy bảo và gần gũi, quan tâm đến chúng em, chúng em rất cần có các thây cô.
Điểm trường tiểu học Nước Nốp có 40 học sinh nghèo theo học. Để giữ chân học trò không bỏ học, ngoài những giờ lên lớp, thầy cô giáo công tác nơi đây cũng tìm đến tận nhà từng học sinh để động viên phụ huynh cố sức vượt khó, tạo điều kiện để con em đến trường.
Anh Đinh Văn Bông, một phụ huynh ở đây nói: Nhờ có thầy mà con cái chúng mình ở đây biết đọc, biết viết. Cảm ơn các thầy cô nhiều lắm.
Những bài hát được cất lên giữa núi rừng ở điểm trường còn quá thiếu thốn này như minh chứng cho sự khắng khít của tình thầy, trò giữa vùng cao. Và đó càng làng sáng lên những cống hiến và sự hy sinh thầm lặng của giáo viên cắm bản như các thầy cô giáo ở điểm trường Nước Đốp này.
BBT